Thời gian gần đây, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ cháy nổ gây thiêt hại lớn về người và tài sản. Mới đây nhất là vụ cháy quán karaoke nghiêm trọng trên phố Trần Thái Tông. Theo nguồn tin từ Cục Phòng cháy chữa cháy (Bộ Công an), đến thời điểm hiện tại đã có 13 người tử vong. Đây là lời cảnh báo đối với công tác phòng cháy chữa cháy, đặc biệt tại các điểm tụ tập ăn chơi.
Cháy lớn ở quán Karaoke chiều qua trên đường Trần Thái Tông
Hỏa hoạn là sự cố bất ngờ, vì thế chúng ta có rất ít thời gian để phản ứng. Nếu không trang bị cho bản thân những kỹ năng cơ bản để thoát nạn, thời gian kéo dài sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng
Dưới đây là một số cách giúp bạn cứu người khỏi đám cháy và xử lý khi có hỏa hoạn xảy ra:
1. Phản ứng nhanh khi có hỏa hoạn
Khi phát hiện hỏa hoạn xảy ra, phải hét lên để đảm bảo rằng tất cả mọi người trong nhà biết có cháy. Sau đó, gọi 114 của lực lượng cứu hỏa để kêu gọi giúp đỡ.
Gọi Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 để được hỗ trợ trong công tác thoát nạn
Có thể dùng bình bột, bình khí CO2, chăn, nước hoặc bất cứ thứ gì khác mà bạn có thể tìm kiếm quanh nhà để dập lửa. Trong trường hợp cháy lớn, không thể dập được thì phải tìm cách thoát hiểm.
Khi thoát hiểm nên bỏ đi những thứ không quan trọng như phụ kiện, trang sức, áo khoác to nặng… Đặc biệt, bạn cần đóng các cửa trên đường lan truyền để giới hạn sự lan tràn của lửa và khói.
2. Không sử dụng thang máy
Khi hỏa hoạn xảy ra, hệ thống cấp điện cho thang máy cũng có thể bị ảnh hưởng do cháy nổ. Vì thế, phải đi thang bộ để thoát hiểm.
Không sử dụng thang máy khi thoát hiểm
3. Sử dụng mặt nạ phòng độc hoặc vải thấm nước
Để chống nhiễm khói, mọi người cần lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thở hoặc có thể sử dụng mặt nạ chống khói khi được trang bị.
Cô gái trẻ dùng áo ngực bịt mũi tháo chạy khỏi quán karaoke trên đường Nguyễn Khang
Khi muốn thoát ra khỏi đám lửa, ngoài việc dùng khăn thấm nước che miệng, mũi, phải dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên toàn bộ cơ thể và chạy thoát nhanh ra ngoài qua đám lửa để tránh bị cháy quần áo gây bỏng da.
4. Luôn giữ ở vị trí thấp
Vì khói luôn bay lên cao, nên để tránh ngạt, khi di chuyển bạn phải cúi người. Đôi lúc, người phải bò dưới sàn khi lượng khói tập trung nhiều để khỏi bị ngạt.
Luôn giữ ở vị trí thấp khi thoát hiểm vì khói bay lên cao
5. Khi bị bén lửa
Khi tóc hoặc quần áo bén lửa, bạn nằm ngay xuống đất và lăn qua lăn lại, không nên chạy vì khi chạy có thể làm ngọn lửa bùng lên. Khi thấy có người bị cháy, bạn nên hướng dẫn người đó nằm xuống, sử dụng chăn hoặc khăn dày thấm nước phủ lên người để dập tắt ngọn lửa.
6. Kiểm tra tay cầm của cánh cửa
Khi mở bất cứ cánh cửa nào để thoát hiểm phải kiểm tra độ nóng của cửa bằng cách đặt mu bàn tay lên cửa. Không mở cửa nếu thấy cửa ấm hoặc nóng. Nếu thấy cửa không bị tác động nhiệt thì mở cửa từ từ và đè sát người vào cửa. Nếu thấy có lửa và khói phía bên kia thì đóng lại ngay lập tức đồng thời chèn kỹ các khe hở không cho khói, lửa lan vào phòng.
Khi mở bất cứ cánh cửa nào để thoát hiểm phải kiểm tra độ nóng của cửa
Nếu không có lửa và khói tiến đến thì nhanh chóng thoát ra ngoài đồng thời đóng cửa lại nhưng không được khóa cửa.
7. Không nên quay lại đám cháy
Khi ra ngoài được, bạn nên tìm một nơi an toàn gần nhà để đợi. Nếu còn có người trong nhà, hãy đợi đội lính cứu hỏa tới. Bạn có thể kể với họ về người bị mắc kẹt và họ sẽ tìm người mắc kẹt giúp bạn nhanh hơn.
Nếu quay lại đám cháy cháy, bạn sẽ làm cho những nỗ lực cứu người mất tích của lính cứu hỏa bị chậm lại, đồng thời tự đặt bản thân vào tình huống rất nguy hiểm.
8. Trong trường hợp bị mắc kẹt trong đám cháy
Nếu không thể ra cửa, hoặc lối thoát nạn an toàn, hãy ra ban cầu hoặc cửa sổ hô to, dùng điện thoại sáng màu ra hiệu. Báo cháy kịp thời cho cơ quan Cảnh sát PCCC theo số điện thoại 114 để được hỗ trợ trong công tác thoát nạn hoặc gọi điện cho người thân.
Nếu không thể ra cửa, hoặc lối thoát nạn an toàn, hãy ra ban cầu hoặc cửa sổ hô to
Nếu có dây cứu nạn hay thang dây hãy dùng nó để thoát thân; trường hợp không có hãy tận dụng các sợi dây đủ chắc có sẵn trong nhà để tụt xuống phía dưới. Lưu ý, đôi khi tấm rèm ga xé dọc hay quần áo gió buộc lại cũng là “sợi dây” thoát nạn lý tưởng.
Tuyệt đối không nhảy từ trên tầng xuống
9. Những sai lầm khi gặp hỏa hoạn
- Thoát ra theo lối cửa chính bất kể đó là tâm điểm của đám cháy, dẫn đến việc bị bỏng nặng, thậm chí mất mạng ngay khi chưa kịp thoát ra.
- Lửa bén vào người vẫn cố khóa van xăng
- Tìm đến thang máy để thoát hiểm
- Những người bị nạn thường chạy tán loạn tìm đường và không biết tránh luồng khói dày đặc từ đám cháy. Việc hít quá nhiều khói gây ngạt nhanh hơn.
Video Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy hướng dẫn cách thoát hiểm khi gặp đám cháy ở nhà cao tầng (Video thuộc bản quyền VTV)