Kết quả giám sát mới nhất của Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM cho thấy hiện trên địa bàn TP có gần 170.000 hộ dân đang sử dụng nguồn nước ngầm ô nhiễm, chứa chất gây ung thư. Đáng nói là trong số này, nhiều khu vực dù mạng lưới nước sạch đã được kéo đến tận nhà nhưng người dân vẫn sử dụng nước giếng.
Xài nước bẩn, ngó lơ nước sạch
Theo thống kê của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn (SAWACO), hiện trên địa bàn TP có khoảng 7% trong tổng số hộ dân đã được gắn đồng hồ nước nhưng không sử dụng, tập trung tại các khu vực vùng ven TP. Trong khi đó, có khoảng 10% số hộ sử dụng nguồn nước sạch nhưng có mức tiêu thụ rất ít (từ 1-4 m3/tháng). Cao nhất là tại huyện Hóc Môn khi con số thống kê cho thấy có đến 6.766/27.030 đồng hồ nước sử dụng 0 m3.
Gia đình chị Nguyễn Kim Thanh, ngụ số 48/3B Phan Văn Hớn, xã Bà Điểm, huyện Hóc Môn đang phải sinh hoạt với nguồn nước giếng nhiễm phèn nghiêm trọng Ảnh: GIA MINH
Lý giải việc có nước máy nhưng không xài, chị Trần Thị Nga - ngụ số 66/4 ấp Trung Lân, xã Bà Điểm - cho biết nước giếng bị ô nhiễm nên gia đình tôi đã mua nước đóng bình về sử dụng cho việc ăn uống. Nếu so sánh giữa chi phí mua nước đóng bình và sử dụng nước máy thì cũng tương đương nhau, trong khi nước đóng bình lại... thơm! Cách nhà chị Nga không xa, gia đình anh Trần Văn Lành cũng chủ yếu sử dụng nước giếng và nước đóng bình, còn nguồn nước máy lại bị “chê”. Anh Lành cho biết phải đóng vài trăm ngàn đồng mỗi tháng nên gia đình anh hạn chế sử dụng nước máy và quay lại xài nước giếng khoan.
Thế nhưng, qua ghi nhận của phóng viên, nguồn nước ngầm tại nhiều nơi ở xã Bà Điểm đã bị ô nhiễm trầm trọng. Nhiều hộ dân phải dùng đủ phương pháp lọc nước nhưng vẫn không giảm được độ phèn.
Mặc dù ngành cấp nước đã phủ mạng lưới cấp nước sạch tới địa phương và gắn đồng hồ nước tới từng nhà nhưng rất nhiều hộ dân trên đường Cây Trôm - Mỹ Khánh, xã Phước Hiệp, huyện Củ Chi đã khóa đường ống sau đồng hồ như khẳng định rằng gia đình họ không dùng nguồn nước này. Theo giải thích của một chủ hộ, do nước sạch không có vị ngọt như nước giếng khoan nên không sử dụng. Hay ở quận 9, Gò Vấp, Bình Tân..., số hộ dân được gắn đồng hồ nước nhưng không sử dụng và sử dụng ít cũng khá cao. Đa số các hộ dân nơi đây cũng chia ra 3 loại nước nhưng ưu tiên sử dụng nước giếng, nước đóng bình rồi mới đến nước máy.
Chưa tin tưởng
Ngoài nguyên nhân giá cả, theo chị Nga, việc gia đình chị không xài nước máy còn xuất phát từ nguyên nhân nguồn nước máy ở nhà chị bị cặn đỏ lúc sáng sớm và có mùi hôi. Lý do trên cũng lý giải cho việc gia đình anh Quốc Thảo - ngụ đường Lê Văn Thọ, quận Gò Vấp - “ngó lơ” nước máy, ưu tiên nước giếng.
Tương tự, người dân ở ấp 4, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh phản ánh nguồn nước sạch từ trạm cấp nước thỉnh thoảng bị đục, có váng nổi trên mặt nước nên họ ưu tiên dùng nước giếng. Bà Lê Kim Phấn, ngụ ấp 4, cho biết chỉ dùng nguồn nước máy để tắm giặt chứ không sử dụng cho mục đích ăn uống. Tuy nhiên, quần áo trắng sau nhiều lần giặt bằng nguồn nước này thì bị ố vàng.
“Thỉnh thoảng nước bị yếu, tôi phải thức trắng đêm để hứng nước sử dụng cho ngày hôm sau” - bà Phấn ngao ngán. Theo tìm hiểu, nguồn nước ở xã Hưng Long do các trạm cấp nước thuộc Xí nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn cung cấp. Bà Phấn cho biết mỗi khi nước đục, dơ, bà đều phản ánh lên xí nghiệp nhưng chất lượng nước vẫn chưa được cải thiện.
Người dân một số khu vực được cấp nước sạch từ các công ty cấp nước thuộc SAWACO cũng than phiền về nguồn nước thỉnh thoảng bị đục và có mùi tanh. Đơn cử, một số khu dân cư dọc đường Thống Nhất, phường 16, quận Gò Vấp phản ánh khoảng nửa năm về trước, nước thỉnh thoảng bị đục nên không dám sử dụng. Thời gian gần đây, nguồn nước đã trong trở lại nên nhiều người quay lại sử dụng nước sạch, tuy nhiên, một số hộ vẫn chưa tin tưởng hoàn toàn nên vẫn sử dụng nước giếng khoan.
Nước sạch đã sạch
Ông Bạch Vũ Hải, Phó Tổng Giám đốc SAWACO, cho biết nguyên nhân nước đục ở các trạm cấp nước thuộc Xí nghiệp Cấp nước sinh hoạt nông thôn là do nguồn nước ngầm đầu vào ở một số trạm cấp nước bị ô nhiễm mà không thể xử lý được. Đối với các trạm này, SAWACO yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra nguồn nước và xử lý trước khi đưa vào mạng lưới cấp nước đến các hộ dân. Theo quy hoạch cấp nước, đến năm 2025 sẽ đóng cửa các trạm cấp nước này.
“Bây giờ, các trạm cấp nước ở khu vực nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, không thể xử lý thì sẽ đóng cửa ngay. Những trạm này sẽ lấy nguồn nước từ mạng lưới cấp nước của SAWACO và thành các trạm cấp nước vệ tinh phân phối nước sạch đến các hộ dân trong khu vực” - ông hải Khẳng định.
Về tình trạng nước đục ở quận Gò Vấp, ông Hải giải thích do khi Nhà máy nước Tân Hiệp xảy ra sự cố thì nguồn nước trong đường ống sẽ có cặn lắng, đến khi hoạt động trở lại, nước trong đường ống tăng áp lực sẽ cuốn theo cặn này. Ông Hải cho biết đã chỉ đạo các đơn vị liên quan súc xả đường ống khi nước trong đường ống ở trạng thái tĩnh nhằm hạn chế tình trạng nước đục. Bên cạnh đó, hiện SAWACO đã kéo đường ống từ Nhà máy nước BOO Thủ Đức để cấp nước cho khu vực quận Gò Vấp nhằm kéo giảm sự cố đục nước ở quận này.
Ông Hải cho rằng: “Nước sạch đã thực sự sạch, bà con sử dụng hoàn toàn yên tâm”. Tuy nhiên, theo ông Hải, không thể vận động người dân chuyển toàn bộ sang sử dụng nước sạch ngay một lúc mà phải chuyển dần theo các nhu cầu. “Ban đầu là vận động người dân sử dụng nước sạch cho mục đích ăn uống, dần dần chuyển sang mục đích sinh hoạt để người dân quen dần” - ông Hải chia sẻ.
Khuyến cáo đáng sợ của ngành y tế
Theo bác sĩ Lê Văn Nhân, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TP HCM, kết quả giám sát, đánh giá chất lượng nước ngầm mới đây ở một số vùng ven như quận 12, Gò Vấp, Tân Bình, Tân Phú và huyện Hóc Môn cho thấy hàm lượng amoni cao vượt giới hạn cho phép 9,14%.
Các bác sĩ phân tích nước có hàm lượng amoni cao cho thấy bị ô nhiễm chất hữu cơ có nguồn gốc nitơ như nước thải, phân bón, chất thải từ chuồng trại chăn nuôi… Amoni trong nước ngầm khi gặp ôxy trong không khí chuyển hóa thành nitrat và nitrit. Hai chất này khi vào cơ thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe, tạo nên tình trạng methemoglobin (thiếu ôxy trong máu), kết hợp với các axít amin trong cơ thể hình thành chất nitrosamine gây ung thư. Việc sử dụng nước nhiễm vi sinh có thể gây ra các bệnh đường ruột, tiêu chảy cấp, một số trường hợp có thể gây nên suy thận, nhiễm khuẩn huyết...
Ng.Thạnh
|
Let's block ads! (Why?)