Ảnh minh họa.
Tác nhân gây bệnh ngủ là các vi sinh vật đơn bào Trypanosoma được truyền qua vết đốt của ruồi xê xê-glossina morsitans. Hiện nay, có gần 65 triệu người sống ở vùng có ruồi xê xê. Từ khi nhiễm bệnh đến khi phát ra những triệu chứng chính của bệnh phải mất vài tuần đến vài tháng. Người bệnh bị sốt, đau đầu, đau khớp rồi mất nhận thức, khó cử động, lên cơn buồn ngủ. Chính vì vậy bệnh này có tên là bệnh ngủ. Nếu không điều trị thỏa đáng, người bệnh bị hôn mê và tử vong.
Trong các năm 1950-1960, nhờ những nỗ lực của các bác sĩ mà số ca lây nhiễm giảm xuống còn vài nghìn người một năm và tưởng như sắp thanh toán được bệnh. Nhưng thực tế không phải như vậy. Theo ước tính của Tổ chức y tế thế giới (WHO), ngay trong thế kỷ này, mỗi năm vẫn có 7-10 nghìn người mắc bệnh ngủ.
Theo eLife, Annette MacLeod, công tác tại Đại học Glasgow, Anh, người 20 năm gần đây đã nghiên cứu bệnh ngủ ở các nước châu Phi khác nhau, đã phát hiện ra sức sống dai dẳng của Trypanosoma. Khi theo dõi vi sinh vật đơn bào Trypanosoma phát triển trong cơ thể chuột, chị đã nhận thấy tác nhân gây bệnh ngủ thâm nhập vào tế bào da chuột.
Chị đã nhận được từ đồng nghiệp các mẫu sinh thiết da của những người dân ở Cộng hòa dân chủ Công gô, thu thập vào đầu những năm 1990 trong chiến dịch chống bệnh mù lòa đường sông (còn gọi là bệnh giun chỉ Onchocerca). Nghiên cứu các mẫu sinh thiết, chị đã nhận thấy Trypanosoma trong tế bào da của một số người. Nhưng những người này không có biểu hiện gì là mắc bệnh ngủ.
Annette MacLeod cho rằng những tác nhân gây bệnh không biểu hiện triệu chứng là cốt bảo đảm để bệnh ngủ có cơ hội “thức giấc” và những phương pháp chẩn đoán vẫn dùng không thể phát hiện ra được, vì vậy, sinh thiết da cần được bổ sung khi chẩn đoán bệnh.
Sắp tới, Annette MacLeod có kế hoạch xác định xem liệu phát đồ điều trị bệnh ngủ hiện tại có hiệu quả hay không một khi Trypanosoma thâm nhập vào da người bệnh.