Nhưng chuyện “lạ” là có khá nhiều phụ nữ Việt Nam, thậm chí Việt kiều Mỹ sau khi phẫu thuật thẩm mỹ sửa ở nước ngoài thất bại lại chọn các bác sĩ Việt Nam là nơi cứu nguy.
Mỹ làm, Việt chỉnh sửa
Bà Kathleen Lê (48 tuổi), một Việt kiều Mỹ, hơn 20 năm trước đã từng sửa mũi nhưng được một thời gian mũi bà luôn có cảm giác đau đớn. Bà được bạn bè giới thiệu nên liên hệ với bác sĩ (BS) tại một bệnh viện phẫu thuật thẩm mỹ ở Việt Nam.
Tháng 7 năm ngoái, bà Lê gửi cho các BS xem hình ảnh khuôn mặt, kèm theo yêu cầu mong muốn sửa đổi. Đến tháng 3-2016, bà sang Việt Nam để BS tiến hành kiểm tra, chụp X-quang và tiến hành phẫu thuật chỉnh sửa mũi. Đến nay, mắt bà trông đã hiền hòa hơn, cánh mũi mỏng hơn và quan trọng là không phải chịu cảnh đau rát quá nhiều như trước nữa.
Một trường hợp khác đặc biệt hơn, đó là bà NTTT, Việt kiều Mỹ (77 tuổi) tiến hành phẫu thuật nâng ngực cách đây 25 năm khi đang sống ở nước ngoài. Khoảng cuối tháng 3, sau một thời gian về nước bà đến một bệnh viện thẩm mỹ khác để tư vấn ngực.
Bà T. cho biết ngực bà thường xuyên đau rát, co rút và mỗi lúc ngực lại càng cứng, thời gian gần đây xuất hiện nhiều cơn đau liên tục nên quyết định đến nhờ BS tư vấn. Bà cho biết lúc trước ở nước ngoài làm phẫu thuật. Sau khi bị tai biến, BS bên đó nói nếu mổ lại thì phải làm lại hoàn toàn, chi phí sẽ rất cao nên bà cắn răng chịu đau đớn hơn 10 năm nay.
Qua thăm khám, BS nhận định hai bầu ngực của bệnh nhân đã tách sang hai bên, đổi màu, tím nhạt, hồng. Hiện tượng vỡ túi ngực không gây tử vong bệnh nhân ngay lập tức mà sẽ gây viêm từ từ, xâm nhập và hoại tử mô, tiếp đến xâm nhập toàn bộ thành ngực. Nếu không điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử toàn bộ vùng da thành ngực, chỉ có thể mổ cắt bỏ chứ không còn da để ghép. Việc nhiễm trùng nặng đồng nghĩa với việc tử vong của bệnh nhân.
Bệnh nhân được phẫu thuật lấy túi ngực, tuy nhiên do phần ngực hoại tử quá nhiều gây khó khăn nên các BS phải cắt bỏ mô da, đổ toàn bộ ngực xuống và tái tạo. Vùng da từ nách dưới ngực được kéo lên để đóng ngực. Cắt hoại tử xương sườn, hoại tử đóm, may núm vú giữ lại một phần và hiện tại sức khỏe nạn nhân đã an toàn.
Các bác sĩ đang tiến hành một ca phẫu thuật tạo hình lại mũi cho bệnh nhân. Ảnh: H.PHƯỢNG. Ảnh nhỏ: Silicon được lấy ra từ mũi của bệnh nhân.
10 năm thở bằng miệng
Vẫn câu chuyện tin hàng ngoại chuẩn hơn hàng Việt, nhiều quý bà không ngại bỏ ra một khoản tiền lớn bay đi bay về vài ba lần chỉ để được làm đẹp. Vì không tự tin với chiếc mũi thấp của mình, năm 2003 bà LTX (55 tuổi) tìm đến phòng phẫu thuật thẩm mỹ được bà con giới thiệu ở San Jose, bang California (Mỹ) với mong muốn có cái mũi thon gọn và đẹp hơn.
“Từ năm 2003 đến 2005 tôi bay đi bay lại ba lần để phẫu thuật mũi, chi phí tính ra cũng ngang ngửa ở Việt Nam nhưng vì nghe nói BS Mỹ làm rất chuẩn nên tôi đâu có ngại” - bà X. nói.
Đến cuối năm 2005, mũi bà bắt đầu có dấu hiệu đau, khó thở nhưng nghĩ đó là triệu chứng bình thường sau phẫu thuật nên bà không đi khám. Đến ngày 27-5 vừa qua bà X. tìm đến một BV thẩm mỹ tại TP.HCM khám trong tình trạng khó thở, lỗ mũi gần như bị bịt kín, bên trong còn có nhiều dị vật to chèn lỗ thông… Qua kiểm tra, các BS phát hiện vách ngăn mũi bên trong bị sụp vẹo, hai lỗ mũi có các miếng sụn biến dạng chèn ép lỗ mũi, mô xơ cứng toàn bộ. Vì đây là trường hợp lỗ mũi bị biến chứng khá nặng gây ra cản trở trong việc hô hấp.
Tại đây bà X. được chỉ định phẫu thuật. Sau hơn bốn giờ thực hiện, các BS đã nạo vét lấy ra rất nhiều “dị vật” như sụn nhân tạo, sụn sườn, sụn vành tai…, đồng thời tạo hình vách ngăn và sắp xếp lại cấu trúc mũi cho bệnh nhân. Hiện bà X. đã có thể thở bằng mũi và dáng mũi thanh mảnh, gọn đẹp hơn trước rất nhiều.
Theo một chuyên gia về phẫu thuật thẩm mỹ tại TP.HCM, ông không nghĩ BS trong nước hay ngoài nước giỏi hơn. Nhưng ông thừa nhận gần đây việc thường xuyên sửa lỗi cho nhiều ca làm đẹp thất bại từ nước ngoài là khá nhiều. Theo vị BS này, lý do chính dẫn đến thất bại sau khi phẫu thuật ở nước ngoài bắt nguồn từ lựa chọn của người muốn làm đẹp. Do tâm lý chủ quan, không tìm hiểu kỹ đối tượng, bị quảng cáo làm lu mờ nên cứ thấy hàng nước ngoài là chọn ngay, không phải lăn tăn.
Tuổi tác nói chung đánh dấu các mức độ biến đổi khác nhau về nội tiết, chất lượng mô, về giải phẫu của cơ thể con người. Đối với phụ nữ, có thể phân chia các giai đoạn khác biệt chính theo tuổi như sau: Trước dậy thì (trước 13-17 tuổi), dậy thì trưởng thành (17- 45, 50 tuổi), mãn kinh già (sau 50 tuổi). Liên quan đến phẫu thuật nâng ngực, tuổi cũng có thể ảnh hưởng đến kết quả. Kết quả phẫu thuật nâng ngực có thể ảnh hưởng bởi tuổi tác, chủ yếu là tình trạng mô tại tuyến vú, mỡ dưới da... Vì vậy, khi quyết định một ca phẫu thuật cần hiểu rõ về tình trạng sức khỏe tổng quát, đặc biệt đối với người ngoài tuổi 40. TS-BS NGUYỄN ANH TUẤN - Trưởng khoa và bộ môn Tạo hình - Thẩm mỹ, BV ĐH Y Dược TP.HCM __________________________________ Các BS thẩm mỹ khuyến cáo sau khi phẫu thuật thẩm mỹ, dù ở bất cứ nơi nào, bệnh nhân nếu thấy đau hoặc xuất hiện những màu sắc bất thường thì nên đến gặp BS, tránh để dẫn đến những biến chứng nặng nề, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. |